Nước ép là nguồn cung cấp hàm lượng vitamin, chất xơ và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên, khi thêm nước ép vào thực đơn cho người bệnh tiểu đường, nên chọn nguyên liệu từ các loại rau củ quả tươi có hàm lượng đường tự nhiên thấp và không thêm đường để tránh làm tăng đường huyết, gây ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
Vậy nước ép có phù hợp cho người bệnh tiểu đường không? Cùng Omega tìm hiểu thêm thông tin về người bệnh tiểu đường có nên uống nước ép không và các loại nước ép cho người bệnh tiểu đường trong bài viết bên dưới.
Bệnh tiểu đường có được uống nước ép không?
Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe của chúng ta. Đối với bệnh nhân tiểu đường, điều này này lại càng quan trọng hơn nữa. Người bệnh tiểu đường cần tuân theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt, vừa phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, nguồn năng lượng cho cơ thể, vừa phải kiểm soát lượng đường trong máu để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn.
Chính vì vậy, người bệnh thường rất cân nhắc khi đưa một loại đồ ăn hay thức uống vào thực đơn hàng ngày. Họ phải hy sinh những món yêu thích vì lo ngại ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Nước ép là một trong số đó. Nhiều người cho rằng, nước ép có chứa đường tự nhiên khiến đường huyết có thể tăng đột ngột. Cũng có những hiểu lầm như nước ép không giữ được chất xơ, đường sẽ hấp thụ vào máu nhanh hơn, việc uống nước ép trở thành vô bổ…
Tuy nhiên những nhận định này chưa hoàn toàn đúng đắn. Việc uống nước ép vẫn đem lại nhiều lợi ích, ngay cả với những người mắc bệnh. Việc bạn phải làm là cần nghiên cứu các loại nước ép cho người bệnh tiểu đường một cách phù hợp với định lượng vừa đủ, tránh uống nước ép sai cách có thể gây hậu quả cho sức khoẻ người bệnh.
Nước ép đem lại lợi ích gì cho người bệnh tiểu đường?
Nước ép là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất quan trọng cho các hoạt động của cơ thể. Uống nước ép là cách để bệnh nhân tiểu đường nạp vào cơ thể lượng vitamin, chất xơ lớn từ nhiều rau, củ, quả tươi mà không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá.
Trong các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin C, E… là những chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào beta tuyến tụy (nơi sản xuất ra insulin) tránh khỏi tổn thương, hỗ trợ ngăn chặn lượng đường huyết tăng cao. Các chất khác như Magie, Crom.. là các khoáng chất quan trọng được chứng minh có thể góp phần cải thiện độ nhạy của tế bào với insulin, giúp điều hòa đường huyết.
Bên cạnh đó, chất xơ đặc biệt có lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc tiêu thụ rau củ quả chứa nhiều chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, béo phì và tiểu đường type 2. Đồng thời, khi tiêu thụ chất xơ, thời gian phân huỷ thức ăn sẽ lâu hơn, khiến đường huyết không tăng quá nhanh, gây ảnh hưởng đến người bệnh tiểu đường.
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, uống nước ép sẽ là vô ích, bởi nước ép không giữ được chất xơ và các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy:
Chất xơ được chia làm 2 loại: chất xơ hoà tan và chất xơ không hoà tan.
Khi làm nước ép, máy ép sẽ “phá vỡ” cấu trúc của rau củ quả sau đó tách nước ép ra khỏi phần bã.
Phần bã được loại bỏ trong quá trình ép sẽ là những chất xơ không hòa tan. Chất xơ này là những thành phần cứng có nhiều trong thân, hạt, vỏ và cuống của rau củ quả. Đúng như tên gọi, loại chất xơ này sẽ không hòa tan trong nước, không bị phá vỡ bởi vi khuẩn đường ruột và không hấp thu thẳng vào máu. Chức năng chính hoạt động như một chiếc chổi để làm sạch đường ruột và sẽ được thải ra ngoài.
Việc bỏ bớt phần bã cũng giúp giảm áp lực cho hệ tiêu hoá khi nạp quá nhiều chất xơ không hòa tan, cơ thể sẽ nạp thực phẩm nhiều và dễ dàng hơn so với ăn trực tiếp. Cơ thể con người cũng chỉ cần một lượng nhỏ chất xơ không hòa tan và bạn hoàn toàn có thể bổ sung chúng trong các bữa ăn chính khác.
Tuy nhiên, những tinh túy nhất như vitamin, chất khoáng, enzymes tự nhiên và đặc biệt là chất xơ trong rau củ quả vẫn được giữ lại dưới dạng hoà tan trong nước ép, có khả năng hấp thụ rất nhanh vào máu, giúp cân bằng cholesterol, hạn chế hấp thụ carbs, đồng thời làm chậm quá trình tiêu hoá, giúp no lâu hơn.
Một phương pháp ép nước được nhiều người lựa chọn để giữ lại được nhiều dinh dưỡng trong rau củ, đó chính là ép chậm. Công nghệ ép chậm sẽ hạn chế việc sinh nhiệt, giúp bảo toàn tối đa dưỡng chất tự nhiên trong rau củ quả.
Xem thêm: “Cẩm nang về máy ép chậm”
Chính vì những lợi ích này nên nhiều người thường lựa chọn nước ép là giải pháp cung cấp vitamin, chất xơ và khoáng chất một cách nhanh chóng, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến sức khoẻ.
Uống nước ép không đúng cách sẽ gây hại như thế nào cho người bệnh tiểu đường?
Uống một ly nước ép đồng nghĩa với việc bạn đang nạp vào cơ thể một lượng lớn trái cây và rau củ. Nếu sử dụng nước ép sai cách có thể gây hại rất nhiều cho người bệnh tiểu đường.
Các loại trái cây có chỉ số đường huyết cao như táo, lê,.. chứa nhiều đường tự nhiên. Khi sử dụng dưới dạng nước ép nguyên chất, lượng đường này sẽ thấm nhanh vào thành ruột, khiến đường huyết có thể tăng nhanh đột ngột, làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm như tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, suy thận, bệnh tim mạch…
Việc uống các loại nước ép sai cách có thể gây phản tác dụng đối với người bệnh tiểu đường. Do đó, bạn cần cân nhắc kỹ khi chọn loại nước ép cho người bệnh đồng thời luôn theo dõi các chỉ số đường huyết và tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi bổ sung nước ép vào chế độ ăn uống của người bệnh nhé.
Những khi sử dụng nước ép cho người bệnh tiểu đường
Quy tắc 80/20
Đa số mọi người thường thích nước ép trái cây vì có vị ngọt dễ uống, nhưng trên thực tế nước ép từ các loại trái cây nhiều ngọt chứa lượng đường tự nhiên rất cao, không tốt cho người bệnh tiểu đường.
Tỷ lệ tốt nhất khi kết hợp các loại rau củ quả trong nước ép cho người bệnh tiểu đường là 80/20, tức 80% nguyên liệu ép nước là rau củ ít ngọt và 20% còn lại là trái cây.
Rau xanh các loại củ quả ít đường như cần tây, cải bó xôi, dưa chuột, ớt chuông, bông cải xanh… rất tốt đối với sức khỏe, không chỉ riêng cho người bệnh tiểu đường.
Cách kết hợp này giúp cơ thể nhận được nhiều giá trị dinh dưỡng hơn, các vitamin và chất chống oxy hóa có lợi nhưng vẫn có vị ngọt nhẹ dễ uống từ một phần nhỏ trái cây được thêm vào. Điều này giúp bạn đảm bảo hàm lượng chất xơ có trong nước ép mà không gây tăng lượng đường trong máu.
Ưu tiên các loại rau, củ, quả ít đường
Chế độ ăn uống có tác động rất lớn đến lượng đường trong máu, điều này lại càng quan trọng đối với người bệnh tiểu đường. Bạn nên uống nước ép từ các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và chứa nhiều chất xơ. Các loại thực phẩm này sẽ giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và không làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh như thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Vì vậy, người bệnh tiểu đường nên lựa chọn các loại trái cây ít đường, các loại rau củ tươi để tránh làm tăng nồng độ glucose trong máu đột ngột sau khi tiêu thụ, đồng thời cung cấp lượng chất xơ tự nhiên giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, từ đó kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn.
Một số loại rau củ quả có chứa chỉ số đường huyết thấp như: rau xanh, bưởi, cà rốt, cà chua… Đồng thời cần tránh những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như xoài, dứa, đào, dưa hấu, dưa lưới, vải, nhãn…
Không sử dụng nước trái cây công nghiệp
Mọi người thường lầm tưởng nước trái cây đóng chai cũng là nước ép, nhưng trên thực tế chúng chỉ được coi là nước giải khát hay nước ngọt.
Nước trái cây đóng chai thường chứa lượng nước ép trái cây nguyên chất rất thấp, mà chủ yếu là nước, đường hoá học. Ngoài ra, các loại nước trái cây đóng chai còn chứa nhiều chất phụ gia khác như hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản… Các chất này có nguồn gốc từ muối natri, khi cơ thể bạn đang bị bệnh mà dung nạp các chất này sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp và thúc đẩy khởi phát các biến chứng tim mạch.
Lượng nước ép trái cây nên uống mỗi ngày
Diabetes UK khuyến cáo nếu người bệnh tiểu đường muốn uống nước ép thì nên hạn chế ở mức 150ml mỗi ngày. Đồng thời, bạn có thể ‘pha loãng’ nước ép bằng cách ép cùng với dưa chuột để làm giảm nồng độ đường trong mỗi khẩu phần.
Trong thành phần của dưa chuột có chứa hàm lượng nước rất cao, không chỉ giúp bù nước cho cơ thể mà còn rất ít đường và calo, chúng chứa nhiều khoáng có lợi cho sức khoẻ. thêm dưa chuột và trong công thức nước ép sẽ giúp giảm tổng lượng đường tiêu thụ, từ đó hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.
Khuyến khích uống nước ép “xanh”
Khi đã làm quen với nước ép, không cần sự “hỗ trợ” của các loại trái cây tạo vị ngọt nữa, bạn có thể chuyển dần sang uống nước ép của các loại rau xanh nguyên chất như cần tây, cải kale, cải bó xôi…
Các loại rau xanh chứa hàm lượng chất chất oxy hóa dồi dào và các dưỡng chất giúp điều hòa lượng đường trong cơ thể, rất tốt với người bị hạ đường huyết do bệnh tiểu đường.
Chất xơ hòa tan trong nước ép cũng sẽ giúp làm chậm hấp thu đường trong máu và cải thiện sức khỏe.
Các loại nước ép tốt cho bệnh tiểu đường
Nước ép cần tây
Cần tây là loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp, chứa ít chất béo và cholesterol nhưng lại rất giàu chất xơ, vitamin và các khoáng chất tốt cho cơ thể.
Trong cần tây có chứa nhiều flavonoid như apigenin, luteolin và phenolics, là những chất có tác dụng chống oxy hóa cho các tế bào beta ở tuyến tụy – nơi sản xuất insulin và điều chỉnh glucose của cơ thể.
Bên cạnh đó, cần tây cũng chứa nhiều quercetin, giúp làm tăng khả năng tăng hấp thụ glucose ở gan và kích thích cơ thể tiết insulin, hỗ trợ làm chậm tiến trình phát triển bệnh của bệnh nhân tiểu đường.
Xem thêm: “8 lợi ích bất ngờ của Nước ép Cần tây mà bạn nên biết”
Nước ép cần tây nguyên chất có mùi khá nồng, có vị chát nên sẽ khó uống đối với những người mới bắt đầu làm quen với nước ép rau. Vì vậy, bạn nên kết hợp thêm các loại rau củ quả khác để trung hoà lại mùi vị, giúp nước ép dễ uống hơn.
Các công thức nước ép với cần tây:
- Nước ép cần tây điều chỉnh glucose (350ml)
5 bẹ cần tây size lớn (hoặc 8 bẹ size trung bình)
1 quả dưa leo
1 quả táo xanh (táo xanh tốt hơn táo đỏ, nhưng vẫn có thể thay thế nếu không có táo xanh)
5 nhánh cải bó xôi
- Nước ép cần tây – cà rốt – cải bó xôi (300ml)
2 bẹ cần tây
2 củ cà rốt
5 nhánh cải bó xôi
- Nước ép cần tây – cải bó xôi – rau mùi (350ml)
6-8 nhánh cần tây
1 nắm rau bó xôi
1 nắm rau mùi
1/4 quả chanh
Nước ép khổ qua
Nhiều nghiên cứu cho rằng trong khổ qua có chứa thành phần protein polypeptide-P hoạt động tương tự như insulin tự nhiên, giúp kích thích sự hấp thụ glucose vào các tế bào cơ xương, điều chỉnh đường huyết, đồng thời kích thích sản xuất insulin của cơ thể. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, khổ qua cũng chứa lượng chất xơ dồi dào, có tác dụng quan trọng trong việc làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu, giữ lượng đường huyết trong cơ thể ổn định, không bị tăng quá nhanh.
Công thức nước ép với khổ qua (300ml):
1 quả khổ qua lớn
1 quả dưa leo
1 quả táo
½ quả chanh (gọt vỏ)
1 lát gừng nhỏ
Nước ép khổ qua kết hợp với dưa leo và táo sẽ giúp làm giảm độ đắng gắt của khổ qua trong nước ép. Tuy nhiên, hai nguyên liệu này lại dễ gây giảm huyết áp. Vì vậy, bạn nên ép kèm một lát gừng nhỏ và chỉ uống loại nước ép này 2 -3 lần/tuần để tránh bị hạ huyết áp.
Nước ép bưởi
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Hebrew (Israel) và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), bưởi có chứa naringenin có tác dụng giúp gan đốt cháy lượng mỡ dư thừa, đồng thời cải thiện quá trình kiểm soát lượng đường trong máu.
Bên cạnh đó, nước ép bưởi cũng có chứa thành phần có vai trò tương tự insulin có tác dụng làm giảm lượng đường glucose, giúp hạ đường huyết, hỗ trợ cho các bệnh nhân tiểu đường.
Công thức nước ép với bưởi:
– Chuẩn bị: 1 quả bưởi
Cho hết phần thịt bưởi vào máy ép, ép lấy nước và uống trực tiếp.
Nước ép bưởi có vị thơm ngọt tự nhiên, mà nguyên liệu lại rất phổ biến và dễ tìm. Đây chính là loại nước ép rất tốt cho sức khoẻ mà người bệnh tiểu đường không nên bỏ qua.
Nước ép củ cải đường
Trong củ cải trắng có chứa phytochemical – một chất có tác dụng điều chỉnh glucose và insulin ở người bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu về tác động của củ cải đường đối với người bệnh tiểu đường đã cho ra kết quả: khi uống 225 ml nước ép củ dền, hoặc ít hơn 1/2 cốc nước ép củ cải trắng có tác dụng giúp ức chế đáng kể lượng đường sau bữa ăn.
Nghiên cứu khác cũng cho thấy, trong củ cải đường có chứa các chất chống oxy hoá làm giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường như bệnh thận, bệnh tim mạch, bệnh võng mạc…
Củ cải đường cho lượng nước ép lớn, đồng thời có vị ngọt khá dễ uống. Bạn nên uống nước ép củ cải đường mỗi ngày để đạt được tác dụng tốt nhất nhé.
Công thức nước ép với củ cải đường:
1 củ cải đường
3 lá bạc hà
Nước ép bồ công anh
Nước ép bồ công anh được biết đến là loại nước ép tốt cho bệnh tiểu đường nhờ công dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, giúp đào thải lượng mỡ thừa ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa các biến chứng ở thận.
Khi ép nước bạn có thể sử dụng tất cả các bộ phận của cây bồ công anh từ rễ, thân cho đến lá, hoa. Cây bồ công anh ít nước nên khi ép, bạn có thể kết hợp với các loại rau củ mọng nước như cần tây, táo…
Các công thức nước ép bồ công anh:
- Nước ép bồ công anh – cải xoong (170ml)
1 nắm rau bồ công anh
½ bó cải xoong
1 quả táo
- Nước ép bồ công anh – cần tây (400ml)
1 bó lá bồ công anh lớn
5 bẹ cần tây
1 quả ổi
1 quả chanh vàng
Nước ép cỏ lúa mì
Nước ép cỏ lúa mì không quen thuộc như các loại nước ép kể trên, nhưng tác dụng của nó đối với người bệnh tiểu đường lại vô cùng mạnh mẽ. Cỏ lúa mì được sử dụng như một loại thuốc truyền thống để điều trị bệnh tiểu đường type 2, giúp hạ đường huyết và tăng sản xuất insulin cho cơ thể.
Bên cạnh đó, nước ép cỏ lúa mì còn có đặc tính chống viêm rất tốt, làm giảm nguy cơ viêm mạch máu do lượng đường trong máu tăng cao. Các vết thương ngoài da, lở loét bàn chân, viêm bắp chân thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường vì thế cũng sẽ nhanh lành hơn.
Xem thêm: “Nước ép cỏ lúa mì có tốt không? 9 tác dụng của nước ép cỏ lúa mì”
Công thức nước ép cỏ lúa mì nguyên chất (125ml):
Nguyên liệu: 300g cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì rửa sạch, dùng máy ép chiết xuất nước và uống trực tiếp.
Lưu ý:
- Nên uống nước ép có lúa mì trước hoặc sau khi ăn ít nhất nửa tiếng để có kết quả tốt nhất.
- Nước ép cỏ lúa mì có mùi cỏ đặc trưng, có thể khó uống với nhiều người nên bạn có thể dùng kết hợp với nước dừa, củ dền, cà rốt, bạc hà,… để dễ uống hơn.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, bên cạnh việc chọn nguyên liệu phù hợp, việc làm thế nào để thu được nhiều dinh dưỡng từ nước ép nhất cũng cực kỳ quan trọng. Máy ép chậm chính là giải pháp tốt nhất để làm được điều đó. Máy hoạt động ở tốc độ thấp, hạn chế tối đa sinh ra nhiệt, giúp bảo toàn được lượng enzyme, vitamin và khoáng chất có trong nước ép, đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, nếu chuyên ép các loại nước ép nhiều rau xanh và củ quả, máy ép chậm trục ngang sẽ là lựa chọn hoàn hảo giúp ép các loại rau củ nhiều xơ mà không gây tắc hay kẹt máy.
Một số thương hiệu máy ép chậm tiêu biểu như: Omega Juicers, Olivo, Hurom, Biochef…
Trên đây là gợi ý những loại nước ép tốt cho bệnh tiểu đường, tuy nhiên mức độ phù hợp sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng người. Ngoài ra hãy thường xuyên theo dõi lượng đường huyết trong cơ thể và tham khảo ý kiến từ chuyên gia sức khoẻ trước khi kết hợp nước ép vào chế độ ăn uống của mình nhé.
Tác giả: Omega Juicers Việt Nam